Củ kiệu chua ngọt là món ăn dân dã nhưng vô cùng được yêu thích, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán. Vị chua thanh, ngọt dịu cùng độ giòn giòn của củ kiệu quyện cùng nước ngâm đậm đà tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng, kích thích vị giác và giúp cân bằng hương vị cho các món ăn ngày Tết.
Đặc điểm của món Củ Kiệu Chua Ngọt:
- Màu sắc: Củ kiệu có màu trắng ngà, xen kẽ chút vàng nhẹ, trông rất đẹp mắt.
- Hình dáng: Củ kiệu được gọt vỏ, tỉa cẩn thận thành những củ nhỏ xinh, thon dài, trông rất thanh tao.
- Hương vị: Vị chua thanh của giấm, vị ngọt dịu của đường hòa quyện cùng vị cay nhẹ của ớt, tạo nên hương vị đặc trưng không thể nào quên.
- Độ giòn: Củ kiệu được ngâm qua nhiều công đoạn giúp giữ được độ giòn ngon, khi ăn vào cảm giác rất sần sật, thú vị.
Nguyên liệu
- Kiệu Huế: 1 kg
- Đường: 1 kg
- Giấm: 325 ml
- Muối: 1 ít
- Phèn chua: 1 ít
1/ Ngâm củ kiệu
Củ kiệu mua về, bạn cho vào 1 cái thau có pha nước muối loãng và ngâm ít nhất 8 tiếng để củ kiệu sạch và giảm bớt mùi hăng.
Sau 8 tiếng, bạn vớt củ kiệu ra và rửa lại nhiều lần với nước sạch. Tiếp theo, ở 1 cái thau khác, bạn đổ đầy nước và cho phèn chua vào rồi cho củ kiệu đã rửa sạch vào ngâm ít nhất 4 tiếng.
2/ Cắt và lột vỏ kiệu
Sau khi ngâm củ kiệu xong, bạn vẫn tiếp tục để củ kiệu trong thau nước phèn chua rồi cắt bỏ phần rễ và phần chân xanh của củ kiệu.
Sau đó bạn lột sạch vỏ, rửa lại với nước nhiều lần và rớt kiệu ra rổ
3/ Phơi và ướp kiệu
Dàn đều củ kiệu trên rổ và phơi kiệu ở bóng râm khoảng 4 – 5 tiếng đến khi củ kiệu ráo hết nước và mềm vừa phải.
Khi kiệu đã phơi xong, bạn cho 1 lớp mỏng kiệu ra 1 cái tô lớn sao cho củ kiệu vừa phủ hết đáy tô thì phủ đều 1 lớp đường phía trên, kế đến là 1 lớp củ kiệu rồi đến lớp đường, bạn cứ làm những công đoạn trên đến khi hết số củ kiệu là được.
Bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín tô củ kiệu lại và ướp kiệu đến khi thấy đường tan hết thì vớt kiệu ra và để lại phần nước đường để nấu nước ngâm kiệu nhé!
4/ Nấu nước ngâm kiệu
Bạn cho vào nồi 325ml giấm cùng 275ml nước đường đã ướp kiệu ở bước 3, 300gr đường và nấu trên bếp ở nhiệt độ trung bình nhỏ đến khi đường tan hết thì tắt bếp, nhấc nồi ra và để cho phần nước ngâm kiệu nguội hoàn toàn.
5/ Muối kiệu chua ngọt
Khi kiệu đã nguội, bạn xếp từng lớp kiệu vào hủ thuỷ tinh đến khi hết rồi cho toàn bộ nước ngâm kiệu vào và đậy kín nắp lại. Muối kiệu từ 2 – 3 ngày là bạn có thể ăn được rồi đấy!
6/ Thành phẩm
Món củ kiệu chua ngọt thành phẩm có màu trắng đẹp mắt kết hợp với hương thơm hấp dẫn đặc trưng và hương vị thơm ngon, giòn giòn, chua chua ngọt ngọt quá tuyệt vời!
Món này mà ăn cùng với giò lụa, bánh chưng và bánh tét ngày Tết thì còn gì bằng!
Lợi ích của Củ Kiệu Chua Ngọt:
- Kích thích vị giác: Vị chua ngọt của củ kiệu giúp kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon miệng và giúp ăn ngon hơn.
- Giải ngán: Củ kiệu có tính mát, giúp giải ngán hiệu quả, đặc biệt phù hợp với những món ăn nhiều dầu mỡ.
- Chứa nhiều vitamin: Củ kiệu chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe như vitamin A, C, B12,…
- Tốt cho hệ tiêu hóa: Củ kiệu có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch.